Ảnh minh họa (internet).
Các mặt hàng được giảm thuế thuộc các nhóm: Cao su tự nhiên, nhựa cây balata, nhựa két, nhựa cây cúc cao su, nhựa cây họ sacolasea và các loại nhựa tự nhiên tương tự, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.01); Cao su tổng hợp và các chất thay thế cao su dẫn xuất từ dầu, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải; hỗn hợp của một sản phẩm bất kỳ của nhóm 40.01 với một sản phẩm bất kỳ của nhóm này, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.02); Cao su hỗn hợp, chưa lưu hóa, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.05). Thuế suất hiện tại của các mặt hàng này là 1% và mức thuế suất mới sẽ áp dụng từ 2-10-2014. Trước đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu cao su từ mức 1% xuống 0% đối với 3 mặt hàng cao su sơ chế (latex, cao su hỗn hợp, crếp) nhằm tăng tính cạnh tranh về giá so với các nước trong khu vực, khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự bình đẳng trong sản xuất và xuất khẩu giữa các mặt hàng cao su. Trong đó, VRA cho biết, từ năm 2013 đến nay ngành cao su gặp nhiều khó khăn do giá cao su giảm mạnh. Hiện nay, giá cao su xuất khẩu dao động trong khoảng 36 - 41 triệu đồng/tấn, giảm đến 56% so với năm 2011 do nguồn cung thế giới vượt hơn nhu cầu làm lượng cao su tồn kho lên mức cao kỷ lục. Kim ngạch xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đang giảm dần. Cụ thể, lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp cao su đã sụt giảm mạnh, có doanh nghiệp giảm đến 99,5% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Việc điều chỉnh thuế suất này là động thái của Bộ Tài chính nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su, làm tăng tính cạnh tranh về giá trong tình hình cung thế giới đang cao hơn nhu cầu. |