Trữ lượng cao su lớn mà chính quyền quân sự Thái Lan thừa hưởng sau khi lên nắm quyền hồi tháng 5 vừa qua là kết quả của chính sách dùng ngân sách cho chính trị (pork barrel) vốn tiêu tốn của quốc gia này hàng tỷ USD mỗi năm và làm dấy lên sự chỉ trích của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như những người phản đối chính phủ.
Giờ đây trong một nỗ lực cắt giảm lượng cao su lưu kho đồng thời “đánh bóng” danh tiếng của chính quyền quân sự, hàng trăm km đường bộ sẽ được cải tạo bằng nhựa đường tráng cao su. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trị giá 75 tỷ USD vừa được thông qua.
Bổ sung cao su vào nhựa đường trong xây dựng đường xá sẽ giúp bề mặt đường cứng hơn và bền hơn so với chỉ sử dụng nhựa đường, nhưng chi phí sẽ cao hơn.
Các chính phủ trước đây của Thái Lan đã trợ cấp giá cao su và giá gạo nhằm cải thiện thu nhập ở vùng nông thôn và giúp duy trì sử ủng hộ chính trị tại khu vực này. Tuy nhiên, tác động không mong muốn của chương trình này là diện tích trồng cao su tăng mạnh và khiến giá cao su luôn ở mức cao giả tạo.
Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu cao su giảm, khiến giá cao su toàn cầu giảm theo. Cao su thiên nhiên, giao dịch tại Tokyo, đã giảm hơn 30% kể từ tháng 12 năm ngoái, mặc dù số liệu lạc quan về kinh tế Mỹ đã giúp thị trường ít nhiều hồi phục trong thời gian gần đây.
Chính phủ dân sự Thái Lan hồi tháng 5 có kế hoạch xả bán 220.000 tấn cao su, tương đương hơn 1,5% sản lượng toàn cầu hàng năm, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự vận động hành lang của nông dân đã khiến việc xả bán này bị trì hoãn, buộc chính phủ phải tìm phương thức mới để kích cầu nội địa.
Cùng với các dự án xây dựng có thể sử dụng một phần lượng cao su dự trữ, một đề xuất nữa là chặt hạ bớt một số cây cao su già cỗi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cao su lại tỏ ra nghi ngờ việc chính phủ Thái Lan có thể đảo ngược xu hướng giá cao su hiện nay, nhất là khi sản lượng cao su tại Việt Nam, Indonesia và các nước láng giềng đang tăng.
Prachaya Jumpasut, giám đốc điều hành The Rubber Economist, cho biết “Trữ lượng cao su của Thái Lan còn khá lớn và dự án nêu trên không thể giúp giải phóng lượng lưu kho này. Sẽ không thể giải quyết được vấn đề chỉ bằng cách sử dụng một phần trữ lượng cao su hiện có. Nhu cầu cao su toàn cầu phải tăng lên và nguồn cung từ các nước khác cũng phải giảm xuống”.
Mặc dù đường xá của Thái Lan có thể được tu bổ lại với những mục đích tốt đẹp, nhưng vẫn còn một trở ngại trong kế hoạch này: Thái Lan không có đúng loại cao su cần thiết. Michael Coleman, giám đốc điều hành tại RCMA Asset Management, cho biết, trữ lượng cao su khô hiện nay của Thái Lan “hoàn toàn không thể sử dụng được” cho việc xây dựng đường xá.
Nguồn Theo DVO/Financial Tim